Nhà khoa học U90 và giấc mơ xanh hóa nông nghiệp bằng bèo hoa dâu
Khu thí nghiệm bèo hoa dâu của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm.
Thu thập 15 mẫu bèo khắp cả nước
Trước đây, từ nhà riêng trong nội thành Hà Nội, PGS.TS - Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm vẫn sang ngoại thành, tới Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với cây lúa, với học trò bằng 3 giờ ngồi trên xe bus nhưng gần đây bác sĩ cấm bà làm điều đó vì chẳng khác nào tra tấn xương khớp tuổi già. Sau 3 tháng phải ngồi tại nhà, hôm nay bà lại được khoác áo chống nắng và đội chiếc mũ tai bèo quen thuộc nên nói, cười rất phấn chấn...
Bà dẫn tôi vào khu thí nghiệm ngoài trời với những dãy khay, vại xếp san sát nhau chứa nước thả bèo bèo hoa dâu được đánh mã số theo thứ tự từ nhỏ tới lớn: A1-1 là biến dị bèo hoa dâu cánh to phát triển từ bào tử (cách sinh sản vô tính, thường thấy ở nấm, tảo); A2 là bèo hoa dâu được lưu giữ tại Bộ môn với cánh xanh nhưng viền tím; A2-1 là bèo hoa dâu biến dị từ A2; A3 là bèo hoa dâu thu từ cánh đồng số 6 ở Học viện; A4 là bèo hoa dâu thu ở HTX Lệ Chi (huyện Gia Lâm, Hà Nội); A5 là bèo hoa dâu thu ở các đầm gần sân bay Gia Lâm, Hà Nội; A6 là bèo hoa dâu trồng để chế phylamin làm thuốc thu ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình;
A7 là bèo hoa dâu thu được ở gần thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; A8 là bèo hoa dâu biến dị từ A5 với bộ rễ ngắn; A9 là bèo hoa dâu thu ở Nam Định lúc trời đã sập tối, cánh đồng không một bóng người nên không hỏi được tên xã, huyện cụ thể; A10 là giống bèo hoa dâu thu được ở HTX Vân Hội Xanh (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc); A11 là bèo hoa dâu thu ở huyện Vị Thanh, Hậu Giang; A12 là bèo hoa dâu thu ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang; A13 là bèo hoa dâu thu ở huyện Châu Thành, Kiên Giang; A14 là giống bèo hoa dâu cánh nhỏ thu ở huyện Châu Thành, Kiên Giang; A15 là bèo hoa dâu thu ở huyện Lý Nhân, Hà Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm kiểm tra khả năng sinh trưởng của bèo hoa dâu
Bà nhẹ nâng từng cây bèo trên tay để kiểm tra khả năng sinh trưởng, rồi lại khẽ rẽ mặt nước để tìm bào tử và mừng rỡ chỉ cho tôi những hạt nhỏ chưa bằng đầu sợi tóc nổi nênh trên đó, bảo: “Bèo hoa dâu ở miền Bắc phần lớn là các giống ưa mát và khô. Từ tháng ba trở đi ẩm độ, nhiệt độ cao dần nên bèo chết, chỉ để lại những bào tử nằm ở dưới đất, đến vụ xuân sang năm khi nước vào lại nở ra. Nếu tìm được những giống bèo tốt, thu được bào tử rồi bảo quản khô thì có thể vận chuyển đi khắp nơi rồi dùng drone (máy bay không người lái) mà phun xuống ruộng”.
Rời khu thí nghiệm ngoài trời, chúng tôi vào khu thí nghiệm trong nhà kính. Dưới cái nắng mùa hè, nó cứ hầm hập như một cái lò, chỉ mươi phút thôi mà mồ hôi tôi đã vã ra như tắm. Các vại bèo ở đây đã phải chịu đựng điều kiện khắc nghiệt đó tới mấy tháng để thử nghiệm khả năng chịu nóng. Khu nhà trước vốn được dùng cho mục đích thử nghiệm quay vụ nhanh cho lúa. Cơn bão Yagi năm ngoái đã giật mất mấy tấm kính bên trên mái, hiện vẫn còn để trống.
Nếu so với các loại bèo thường thấy trên đồng ruộng như bèo tấm, bèo cái, bèo cánh gián, bèo Tây…thì bèo hoa dâu rất mẫn cảm với hóa chất, chỉ cần nước có chút dấu vết của thuốc cỏ là chết như ngả rạ. Tuy nhiên về khả năng nhân sinh khối thì ít loài bèo nào bằng nó. Theo sách thì bèo hoa dâu có thể tăng gấp đôi sinh khối trong 3 - 5 ngày nhưng thực tế thử nghiệm ở đây có những mẫu giống chỉ cần đến 2 ngày nhờ khả năng cố định đạm vượt trội.
“Nếu bèo tấm ở trong ruộng lúa thì khi bón đạm sẽ bị chúng ăn mất nên trước đây khi cấy nông dân phải vớt đi, chỉ cần để sót một chút là đẻ ra rất nhanh. Ngược lại bèo hoa dâu lại cung cấp đạm cho cây lúa. Bởi thế, giá trị của hai loại bèo này khác hẳn nhau. Với khả năng cố định đạm từ khí trời, mỗi ha bèo hoa dâu có thể làm ra được 1.100 kg đạm, trong khi các cây họ đậu chỉ được 400 - 500 kg. Thứ hai là khả năng hấp thụ carbon của bèo hoa dâu qua hoạt động quang hợp rồi nhả oxy rất tốt, có giá trị cho môi trường”, bà Trâm giải thích.
Những hạt bào tử bèo hoa dâu nổi trên mặt nước
"Tại sao bà lại có ý tưởng sưu tập các mẫu giống bèo hoa dâu ở các địa phương về đây thử nghiệm?", tôi hỏi. Bà trả lời, cây bèo hoa dâu xuất phát điểm ở Bắc Cực rồi trôi nổi vô định trong hàng triệu năm tới các vùng đất trên khắp hành tinh và xuất hiện những biến dị dưới sự ảnh hưởng của điều kiện môi trường. Theo ghi chép từ thời nhà Minh, đầu thế kỷ 17 ở Trung Quốc nông dân đã biết sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón lúa. Còn ở Việt Nam nông dân đã biết sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón từ hàng ngàn năm trước, thậm chí ở làng La Vân, xã Quỳnh Hồng (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) còn có đền thờ tổ bèo.
Thời thuộc Pháp, năm 1930 ông Nguyễn Công Tiễu là người Việt đầu tiên nghiên cứu về bèo hoa dâu. Miệt mài ngày đêm soi kính hiển vi đến nỗi hỏng cả mắt, ông đã tìm ra cơ chế cộng sinh giữa bèo và vi khuẩn lam, nhờ đó mà nó có khả năng cố định đạm vô địch. Sau kháng chiến chống Pháp, ta đã cho thành lập nhiều trung tâm gây giống bèo, tổ chức nhiều phong trào thi đua nâng cao năng suất lúa bằng sử dụng các loại phân chuồng, phân bắc, phân xanh, bèo hoa dâu.
Ở nông thôn xuất hiện nhiều nông dân làm bèo giỏi như bà Nguyễn Thị Mười (HTX Đại Xuân, Ứng Hòe, Ninh Giang, Hải Dương), Nguyễn Thị Bảy (HTX Đông Phương Hồng, Thanh Hóa) được phong danh hiệu "kiện tướng bèo hoa dâu".
PGS.TS Nguyễn Thị Trâ cặm cụi ghi kết quả thử nghiệm bèo hoa dâu
Trong giáo trình giảng dạy cho sinh viên nông nghiệp, bèo hoa dâu được coi là loại phân sinh học rẻ tiền, đa tác dụng, vừa cung cấp đạm, khoáng chất cho cây, cung cấp mùn cho đất, phủ kín mặt ruộng để chống rét, chống hạn, hạn chế cỏ dại (Võ Minh Kha, Trần Quang Thuyết, 1970). Bác sỹ nông học Lương Định Của trong cuốn sách “Để đạt 5 tấn thóc một ha” cũng viết về tác dụng của của bèo hoa dâu làm phân hữu cơ cho lúa.
Bà Trâm hồi ức: “Sinh viên chúng tôi ngày ấy đến năm thứ hai, thứ ba (thập niên 60 của thế kỷ trước) là đã đi cùng với bà con để chỉ đạo sản xuất lúa, chủ yếu là làm bèo hoa dâu. Thầy Võ Minh Kha giao nhiệm vụ cho chúng tôi thả 1 rổ bèo, sau 5 ngày mà có 2 rổ thì được xuất sắc, sau 7 ngày mà có 2 rổ thì được trung bình, còn trên 7 ngày thì kém. Bởi thế buổi sáng trời còn mờ sương sinh viên đã phải cầm que đi dập bèo giúp cho chúng nhân nhanh.
Có một vụ tôi đã được xuất sắc nhờ thành tích làm bèo hoa dâu. Trong quá trình sản xuất chúng tôi phát hiện ra loại sâu kéo màng trên mặt bèo nên không có gì hơn là rắc tro bếp để trừ. Hồi ấy ở những hợp tác xã tiên tiến đã có thuốc sâu 666. 'Điếc không sợ súng', có người cứ cầm thuốc sâu 666 mà rắc vào bèo hoa dâu…”.
Phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong bèo hoa dâu cho thấy: Protein chiếm 25 - 35% chất khô; chất khoáng 10 - 15% gồm Ca, Cu, Fe, Mg, P, K; axít amin 10%; giàu omega 3, omega 6, vitamin A, vitamin B12, betacaroten. Do vậy, ngoài việc làm phân hữu cơ sinh học bón cho cây trồng, còn có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, cá ở dạng tươi hay chế biến. Thậm chí Erik Sjödin - nhà khoa học Thụy Điển đã dùng bèo hoa dâu để chế biến thức ăn cho người bằng cách luộc, chiên, làm salad, bánh mì kẹp, bánh kếp, súp, nem, bánh bao…, trong đó bèo chiếm tới 60% lượng nguyên liệu.