Liên kết trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao thành tựu khoa học - công nghệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp nhằm phục vụ lợi ích quốc gia và dân tộc.
Đây là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại "Hội nghị hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, tổ chức" diễn ra tại Hà Nội ngày 7/12.
Từ phải qua: Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM và các đại biểu tham dự sự kiện
Chung sức vun trồng thế hệ tương lai
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện nay, liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp (DN) là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Việc hợp tác không chỉ đơn thuần vì lợi ích của nhà trường và DN, mà còn cao hơn là vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Ở đó là những sáng kiến nhằm vì sự phát triển trường tồn, vững mạnh của đất nước, đem tiến bộ khoa học cho đất nước thêm xanh.
Mối gắn kết bền vững giữa các trường đại học và DN không chỉ đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường, nguồn nhân lực chất lượng đầu vào của DN, mà còn là nhiệm vụ bắt buộc, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
“
Việc hợp tác không chỉ đơn thuần vì lợi ích của nhà trường và DN, mà còn cao hơn là vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ trưởng khẳng định, hiện nay DN không chỉ là một tổ chức kinh doanh đặt lợi nhuận kinh tế mà còn phải thực hiện trách nhiệm cộng đồng, trong đó có trách nhiệm vun trồng thế hệ tương lai.
Ông bày tỏ mong muốn các DN hợp tác với trường cần mang tính bền vững, không chỉ dừng lại ở việc tài trợ học bổng mà còn truyền cảm hứng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho thế thệ trẻ. Điều này sẽ giúp các bạn trẻ phát triển tố chất và bản lĩnh, từ đó trở thành những doanh nhân thành công cho đất nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Đ.Thanh
Đồng thời các DN cần tham gia sâu rộng hơn vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của DN và của toàn xã hội.
"Việc vun trồng cho thế hệ tương lai là trách nhiệm, bổn phận của quốc gia, dân tộc, và DN cũng phải có bổn phận đó. Việc hợp tác giữa các DN và các trường phải là đào tạo ra những thế hệ trẻ có tố chất ể sau này trở thành các doanh nông cho đất nước. Đó mới là những giá trị lâu dài, bền vững", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Phải đào tạo những gì DN cần
Ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết các trường phải đào tạo, nghiên cứu những gì DN, thị trường cần, nếu không sự cạnh tranh sẽ dần loại bỏ những đơn vị yếu kém.
“Các trường đại học hiện nay đang đào tạo về nông nghiệp, nhưng sinh viên ra trường thường phải được đào tạo lại trong ít nhất 6 tháng đến 1 năm mới có thể bắt nhịp công việc. Để làm việc hiệu quả, cần ít nhất trên 2 năm kinh nghiệm. Mặc dù các trường có các phòng thí nghiệm rất hoành tráng, nhưng nghiên cứu khoa học vẫn chưa thật sự phát triển,” ông Lê Văn Quang chia sẻ quan điểm.
Chính vì vậy, DN này đã tài trợ học bổng cho một số trường như Đại học Nha Trang để đào tạo mỗi năm 100 sinh viên với mức tài trợ 10 tỷ đồng, hợp tác với Đại học Nguyễn Tất Thành "đặt hàng" nhân sự. Tới đây, DN sẽ tiếp tục hợp tác với trường Đại học Cần Thơ trong đào tạo và nghiên cứu, để đáp ứng theo yêu cầu, đòi hỏi thực tế của DN.
Ông Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM và GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại sự kiện
Tương tự, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn ThaiBinhSeed cũng trăn trở nhiều vấn đề xoay quanh việc đào tạo của nhà trường gắn với thực tiển. Theo đó, để tăng cường hợp tác với DN, các trường cần căn cứ vào khả năng nghiên cứu trong từng lĩnh vực và lựa chọn DN, tổ chức có khả năng triển khai kết quả nghiên cứu đó; hoặc lựa chọn DN, tổ chức có khả năng kết hợp nghiên cứu, đặt hàng để cùng nghiên cứu, sau đó chuyển giao.
“
Việc chuyển giao sản phẩm nghiên cứu là vấn đề mà các nhà trường ở trong nước cần phải tập trung khai thác. Kinh tế Việt Nam theo tôi phải phát triển dựa trên 3 trụ cột là nông nghiệp, du lịch và kinh tế số.
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn ThaiBinhSeed
Bà Nguyễn Tâm Trang - Phó chủ tịch Tập đoàn Greenfeed cho biết, nhiều DN nông nghiệp hiện nay có môi trường làm việc rất tốt, với mức lương không thấp hơn các DN ngành khác. Đặc biệt, các tập đoàn nông nghiệp đã bắt đầu phối hợp đào tạo sinh viên từ năm nhất, năm hai, thay vì chỉ chờ đến năm cuối. Nhờ vậy, khi sinh viên hoàn thành thực tập và gia nhập DN, họ có thể nhanh chóng bắt nhịp với công việc sau 3 - 6 tháng đào tạo.
“DN không chỉ tài trợ học bổng mà còn tích cực tham gia vào việc thu hút và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngay từ khi còn là học sinh phổ thông. Các tập đoàn nông nghiệp đã hợp tác chặt chẽ với các trường cao đẳng, giúp sinh viên từ sớm có cơ hội phát triển nghề nghiệp trong ngành. Chính nhờ những chương trình đào tạo từ sớm, sinh viên có thể dễ dàng hòa nhập vào công việc khi ra trường", bà Tâm Trang bày tỏ.
Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin, trong giai đoạn 2016 - 2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết gần 1.000 thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế. Các thỏa thuận hợp tác chủ yếu về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ xã hội.
Ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng nhà trường cần đào tạo những gì DN cần. Ảnh: Đ.Thanh
Nhờ có sự hợp tác với DN, số lượng tuyển sinh cũng như điểm đầu vào của Học viện đều tăng lên theo các năm. Đặc biệt, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay sau khi ra trường khá cao. Khảo sát trong đợt xét tốt nghiệp cách đây khoảng một tháng, có tới 70% sinh viên sau khi ra trường có việc làm.
“Dù nhiều DN đã đăng ký nhu cầu tuyển dụng với nhà trường, nhưng việc đáp ứng vẫn chưa kịp nhu cầu”, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết.
“
“Hy vọng thời gian tới có khoảng 10.000 nông dân của các địa phương được chọn học, để tạo ra đội ngũ doanh nông đủ tâm trí, đủ lực hội nhập quốc tế”.
Ông Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM
Tương tự, ông Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết đến nay đơn vị đã hợp tác trên 140 tổ chức trong nước và quốc tế, gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, địa phương.
“Có năm, chúng tôi có hơn 76.000 thí sinh đăng ký tuyển sinh nhưng nhà trường quan điểm phải nâng điểm chuẩn lên so với năm trước từ 2 - 6 điểm. Nhờ vậy, tỷ lệ nhập học cao hẳn. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai một số mô hình hợp tác toàn diện, như với Công ty CP Thành Thành Công, đưa sinh viên sang Úc hợp tác với trường đại học tại đây”, ông Trần Đình Lý nói.
Ông Trần Đình Lý cũng chia sẻ thêm về việc phối hợp với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn ươm tạo xây dựng đội ngũ doanh nhân và lực lượng DN tại khu vực nông thôn, cùng nhau triển khai chương trình “Kiến tạo đội ngũ doanh nông”.
Tại sự kiện, Ban tổ chức biểu dương các DN, tổ chức đã có nhiều đóng góp và hợp tác hiệu quả trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn vinh dự góp mặt trong danh sách này khi tổ chức Giải thưởng tài năng Lương Văn Can và đồng hành cùng Đại học Nông Lâm TP.HCM triển khai chương trình “Kiến tạo đội ngũ doanh nông”.