GS.TS Nguyễn Thị Lan: Dấu chân nữ kỹ sư nông nghiệp có khắp cả nước
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, diễn đàn do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức đã tạo ra không khí hứng khởi và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ cán bộ, sinh viên, đặc biệt là đối tượng nữ của nhà trường.
Trong năm 2023, hai nữ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã đến thăm Học viện, đồng thời tham dự tọa đàm về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, khởi nghiệp nông nghiệp. Sự kiện rất thành công, để lại ấn tượng tốt trong lòng cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường.
Bà Lan đánh giá, Hoa Kỳ là một nền sản xuất tiên tiến. Do đó, với sự chia sẻ từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, trực tiếp là 2 nữ nông dân Hoa Kỳ cùng những ý kiến quý báu của Bộ NN-PTNT, các đơn vị liên quan sẽ giúp làm rõ thêm vai trò quan trọng của phụ nữ, đặc biệt là ở giai đoạn phát triển bền vững như hiện tại.
“Đây là hoạt động hữu hiệu, nhằm hướng tới năm quốc tế về nữ nông dân 2026”, bà Lan chia sẻ.
Thời gian qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với hơn 200 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, mở ra cơ hội tìm kiếm học bổng, giao lưu quốc tế cho sinh viên Học viện.
Cộng với những cơ hội hợp tác và phối hợp thực hiện các chương trình như Diễn đàn chiều 12/8, bà Lan tin tưởng, cán bộ giảng viên, sinh viên nhà trường sẽ được biết đến nhiều hơn trên trường quốc tế, đồng thời có cơ hội hợp tác với những nền nông nghiệp hàng đầu như Hoa Kỳ.
Sinh viên Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: VNUA.
Là trường trọng điểm cấp quốc gia, phụ nữ chiếm đa số trong cả tập thể giảng viên và sinh viên nhà trường, theo Giám đốc Nguyễn Thị Lan. Nhờ sự tham gia một cách nhiệt tình của phụ nữ, khắp các tỉnh, thành phố đều có dấu chân của nhà khoa học Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Thực tế khác với đa số các trường nghiên cứu khoa học khác, cả trong nước lẫn thế giới. Tại một số quốc gia, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo, việc thiếu nhà khoa học nữ sẽ gây suy giảm khả năng đổi mới, cạnh tranh và năng suất lao động.
Với những thành tựu ấy, thay mặt các nữ cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường, bà Lan cam kết tiếp tục phấn đấu để hoàn thành tốt, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Trong chặng đường phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam, dấu ấn và đóng góp của những nhà khoa học nữ là rất lớn. Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cánh chim đầu đàn chuyên đào tạo ra những chuyên gia hàng đầu cho đất nước, đã có 3 nhà khoa học nữ vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia.
Đây là giải thưởng dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học gia xuất sắc, nhằm tôn vinh đóng góp của họ trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa.
Nhà khoa học nữ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đầu tiên nhận giải là PGS.TS Tạ Thu Cúc, vào năm 1991. Bà nổi tiếng với việc nghiên cứu, chọn tạo hơn 100 mẫu cà chua, sau đó là rau sạch và là chuyên gia của Dự án sản xuất thử rau sạch vùng ngoại thành thành phố Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, một học trò của “cha đẻ” lúa lai Viên Long Bình, nổi bật với hơn 20 đề tài nghiên cứu khoa học về chọn tạo các giống lúa. Ở tuổi 80, bà vẫn tiếp tục cộng tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Người cuối cùng nhận giải, cũng là nhà khoa học trẻ nhất trong lĩnh vực thú y được phong hàm giáo sư, là GS.TS Nguyễn Thị Lan. Ngoài hàng trăm bài báo, công trình khoa học, bà còn là đồng tác giả của 2 tiến bộ kỹ thuật: Quy trình chẩn đoán bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm và Quy trình phòng và điều trị bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm ở gà.